Tìm kiếm
Close this search box.

Với sự ủng hộ của 100% Ủy viên có mặt trong buổi họp, Ủy Ban thường vụ Quốc Hội thông qua nghị quyết về việc thành lập Thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/3/2021.

1.Phân bổ đơn vị hành chính sau khi lên Thành phố

Thành phố Phú Quốc cũng thành lập 2 phường là Dương Đông và An Thới trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên với dân số lần lượt là 60.415 người và 37.485 người. Ngoài ra xã Hòn Thơm với dân số 4.610 người cũng được sát nhập vào phường An Thới. Như vậy quy mô dân số của phường An Thới sau khi Phú Quốc lên Thành phố sẽ là 42.095 người. Sau khi thành lập các phường này, Thành phố Phú Quốc sẽ bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã: Phường Dương Đông, Phường An Thới, cùng với 7 xã là Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn và Thổ Châu. Ngoài ra các cơ quan như TAND, VKSND cũng được thành lập.

Sau khi thành lập Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, trong đó có 3 thành phố (Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc), 12 huyện với 144 đơn vị hành chính cấp xã (116 xã, 18 phường, 10 thị trấn)

Một góc du lịch biển đảo thành phố phú quốc

2.Tiềm năng của Thành phố Phú Quốc

Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam, tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan. Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ. Vùng biển Phú Quốc có các ngư trường giàu tiềm năng, vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển phục vụ du lịch.

Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới là 2 đô thị của huyện Phú Quốc. Thị trấn Dương Đông có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của huyện Phú Quốc. Thị trấn An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của huyện Phú Quốc.

Chính phủ nhận thấy rằng, quá trình phát triển của huyện Phú Quốc đã phát sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Vì vậy, thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc, Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09-11-2005. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 ngàn tỉ đồng. Riêng năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào năm 2014.

 

Cáp treo An Thới và phường An Thới nhìn từ xa

Trước đó, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc và 2 phường trực thuộc, UB Pháp luật của Quốc hội nêu băn khoăn, thành phố Phú Quốc có 2 phường nhưng 2 phường này lại không liền kề, tiếp giáp nhau làm cho khu vực nội thị của thành phố có tính cắt khúc, ảnh hưởng đến tính thống nhất, liên thông, đồng bộ của hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, dân cư, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương tỉnh Kiên Giang và các đơn vị có liên quan rà soát quy hoạch, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn để có phương án đẩy mạnh đầu tư, phát triển đô thị đối với một số xã để nối liền khu vực nội thị của thành phố.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu vấn đề, huyện đảo Phú Quốc có tới 50,22% diện tích rừng và Vườn quốc gia Phú Quốc chiếm tổng cộng 61,5% diện tích, là nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức quan trọng của Phú Quốc và cả nước. Việc thành lập thành phố Phú Quốc, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút mạnh đầu tư sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến môi trường trên địa bàn.

Từ đó, UB Pháp luật đã đề nghị tỉnh Kiên Giang giải trình, làm rõ thêm mức độ ảnh hưởng của việc phát triển đô thị đến việc bảo tồn diện tích rừng và phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng, sử dụng và bảo vệ diện tích rừng và Vườn quốc gia Phú Quốc cũng như có phương hướng, giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đối với môi trường và định hướng phát triển bền vững, đồng bộ của huyện đảo.